Hậu quả khôn lường của vật liệu tái chế
Hiện nay, xu hướng sử dụng vật liệu trong thiết kế và nghệ thuật đang rất được ưa chuộng. Xu hướng này khám phá việc tái sử dụng các vật liệu làm hại môi trường (đặc biệt là nhựa) nhằm giải quyết một phần tình trạng rác thải khổng lồ trên thế giới.
Bản thân mình không thể phủ nhận, trào lưu này đã giúp một bộ phận những nhà thiết kế ngày càng có ý thức hơn với môi trường xung quanh, hình thành ý tưởng không dựa dẫm vào vật liệu mới mà sử dụng lại các nguyên liệu cũ sẵn có để làm nghệ thuật, giải quyết một phần lượng rác thải ứ đọng trên thế giới. Một viễn cảnh thật đẹp được vẽ ra trước mắt, vậy chúng ta cần đọc bài này làm gì nhỉ?
Bìa tạp chí National Geographic tháng 06/2018 “Planet or Plastics?” thực hiện bởi Vaughn Wallace.
Nguồn: National Geographic
Ở một khía cạnh khác, ưu điểm này chỉ là phần nổi trên tảng băng chìm. Dường như đây là một bước tiến cách mạng trong ngành sáng tạo để bảo vệ môi trường, dù đối với vài người như mình, nó gieo rắc lo lắng và sợ hãi kèm theo những hậu quả khôn lường nhiều hơn.
Hãy thử nghĩ xem, nghệ thuật và thiết kế đều ít nhiều có mục đích tôn vinh tinh thần cái đẹp. Nếu như ta sử dụng những vật liệu tái chế nhằm tạo nên tác phẩm tuyệt vời để triển lãm, có thể sẽ khiến khán giả hiểu nhầm rằng loại vật liệu này hiển nhiên đạt tiêu chuẩn nhất định trên thang thẩm mỹ, và tự nhủ chúng thật hữu ích kể cả khi đã hết chu kỳ sử dụng ban đầu. Điều này có nghĩa là: vật liệu nhựa sẽ được nâng giá trị lên một tầm cao mới.
Trong thế giới hiện đại, nhựa là vật liệu vô cùng ưu thế trong công nghiệp, thương mại và đời sống bởi khả năng chịu nhiệt, uốn dẻo, bền bỉ, gọn nhẹ và đẹp mắt của mình. Nếu giá trị của nhựa ngày càng tăng, liệu có ai muốn từ bỏ ý định sử dụng vật liệu này không? Họ sẽ ngầm mặc định nhựa đều sẽ được tái chế về lâu dài, và sẽ ổn thôi nếu vẫn tiếp tục mua đồ nhựa, vì chúng có thể tái chế cơ mà.
Bảng phân tích thách thức trong quy trình tái chế nhựa. Nguồn: National Geographic
Tuy nhiên, nhựa không dễ tái chế như thế, dù nghe lý thuyết rằng chỉ cần phân loại, súc rửa thủ công và nấu chảy chúng để tạo ra hạt nhựa là được. Nếu nước và khí thải trong quá trình này không được xử lý kỹ lưỡng sẽ càng làm môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chỉ vỏn vẹn 18% lượng nhựa trên thế giới có thể được tái chế (so với năm 1980), vô cùng ít ỏi so với 448 triệu tấn nhựa được sản xuất (2015), vì lý do rằng chúng phải được phân loại kỹ càng, súc rửa sạch sẽ trong khi thực tế hầu như mọi người đều chưa quan tâm đến bước này.
__________
Liệu thiết kế xanh có tối ưu?
Gần đây mình có xem một buổi Ted Talk rất thú vị bàn về cái giá phải trả của việc xây dựng những công trình xanh. Catherine Mohr, kỹ sư chế tạo robot, một người yêu môi trường và tự cho mình là lập dị, vì cô cứ mãi đắn đo giữa mỗi hành động hằng ngày rằng cái nào bảo vệ môi trường tốt hơn.
Catherine nêu ra một ví dụ vô cùng ấn tượng về việc đập đi xây lại một căn nhà bình thường trở thành một công trình xanh thì sẽ giảm thiểu được bao nhiêu khối năng lượng tiêu tốn. Xem ra kết quả của thí nghiệm này khá hiển nhiên, rằng ngôi nhà xanh sẽ tiết kiệm được rất nhiều so với căn hộ ban đầu.
Kết quả là họ đã xây dựng được một ngôi nhà xanh tiết kiệm được phân nửa nhiên liệu khi xây dựng và vận hành. Thế nhưng, họ lại tốn 151 MWh để xây dựng một ngôi nhà mới từ công trình cũ kia, nên nếu muốn so sánh, Catherine phải cộng 151 MWh vào, điều này khiến khối năng lượng tiêu tốn của ngôi nhà xanh bỏ xa căn hộ cũ. Muốn xoá được chênh lệch này, cô phải mất 6 năm sử dụng ngôi nhà để san bằng khoảng cách, và nếu cô ấy muốn nâng cấp ngôi nhà của mình để trở nên tiết kiệm năng lượng hơn nữa, họ mất 20 năm để phá vỡ chênh lệch. Catherine kết luận rằng: “Đôi khi, những điều mà bạn không mong chờ nhất lại là những điều tạo nên thay đổi lớn nhất.”
Ví dụ này cho chúng ta thấy được rằng, không phải mọi công trình hay thiết kế xanh đều toàn diện. Vậy nên công việc của một người thiết kế không nên chỉ là tập trung vào việc tạo nên những tác phẩm “thân thiện môi trường” bằng cách sử dụng vật liệu tự nhiên, đào thải nhựa truyền thống, sử dụng nhựa sinh học… mà hơn hết nên chú ý vào việc " thay đổi hành vi sử dụng của người tiêu dùng "
__________
Tầm quan trọng của hành vi sử dụng
Mục đích của thiết kế bền vững là “hạn chế những tác hại đến môi trường thông qua thiết kế chu toàn và tỉ mỉ”. Những thiết kế bền vững yêu cầu phải sử dụng tài nguyên tái tạo, ảnh hưởng thấp nhất đến môi trường, và kết nối con người đến với thế giới tự nhiên. (Wikipedia)
Chủ nghĩa tiêu dùng đang thống trị toàn cầu, khi cám dỗ mua sắm của con người vượt quá nhu cầu thực tế của họ. Chúng ta ăn nhiều hơn những gì cơ thể cần, mua nhiều quần áo hơn những gì ta có thể mặc, thay điện thoại theo trào lưu chỉ vì nó hợp thời. Nhưng liệu ta có tự hỏi rằng: Mình sẽ thưởng thức được hương vị của món ăn hay chỉ đơn giản là ăn càng nhiều càng tốt? Mình sẽ mặc hết tất cả những cái áo mình mua được khoảng trăm lần chứ? Hoặc điện thoại mình mới mua vì để phục vụ những mục đích hữu ích chứ không chỉ đơn giản là chạy theo trào lưu?
Trên tạp chí Life năm 1995, một gia đình Mỹ đang ăn mừng “Throwaway Living” (lối sống sử dụng đồ nhựa xài một lần rồi vứt đi). Những đồ nhựa sử dụng một lần đã đem đến sự tiện lợi to lớn cho con người trên khắp thế giới, nhưng cũng gây nên nỗi kinh hoàng khi các bãi rác nhựa khổng lồ đang làm đại dương tắc nghẹn.
Nguồn: National Geographic
Trong một bài Ted Talk khác của Leyla Acaroglu, cô nêu lên một ví dụ thế này. Thử tưởng tượng nếu bạn đang đi siêu thị, bạn sẽ chọn túi giấy hay túi nhựa để đựng thức ăn? Rõ ràng phần lớn chúng ta sẽ chọn túi giấy, vì nó là vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, phân huỷ được và tái chế được, có thể tái sử dụng trong vài trường hợp nữa. Còn túi nhựa ngược lại gây ra những bãi rác lớn tích tụ trên đại dương, khiến sinh vật biển mắc nghẹn vì lầm lẫn là đồ ăn, không phân huỷ trong hàng trăm năm, vô cùng nhiều lý do để chúng ta tránh xa loại vật liệu đáng sợ này.
Thế nhưng có một mặt trái mà nhiều người không để ý tới, rằng để sản xuất giấy, bao nhiêu cánh rừng đã bị đốn hạ để phục vụ nhu cầu của con người. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Dù bạn có sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, liệu có “thân thiện” không khi hành vi sử-dụng-một-lần-rồi-vứt của con người dẫn đến sự xoá sổ của nhiều cánh rừng bạt ngàn?
Chính thói quen mua sắm tuỳ tiện, sử dụng đồ dùng trong thời gian ngắn hạn (ly giấy, ống hút, muỗng nhựa…) mới là tác nhân nguy hiểm đe doạ đến hệ cân bằng sinh thái. Nếu tỉnh táo hơn, ta sẽ nhận ra rằng, nhựa là kết quả của thói quen này, và sự dư thừa của con người là nguyên nhân cốt lõi đang phá huỷ tự nhiên và đe doạ các loài động vật. Vậy làm thế nào để thay đổi hành vi sử dụng của người tiêu dùng?
Hãy xét đến ví dụ sử dụng ấm đun nước cấp tốc. Mọi người thường có thói quen nấu dư nước, và lượng nước đun dư này gây hao phí nhiên liệu, đây là một biểu hiện thừa thãi gây ô nhiễm môi trường. Một thiết kế đã ra đời để giải quyết vấn đề này. Ấm đun nước dưới đây có hai ngăn, một đựng nước thường và một đựng nước sôi. Trên thân bình có vạch chỉ các mức nước để bạn đổ vào vừa đủ lượng nước và đun sôi mà không khiến nhiên liệu bị dư thừa quá mức. Đơn giản nhưng hiệu quả!
Nguồn: Ted Talk
Tuy rằng không dễ dàng để thay đổi một con người, nhưng sẽ thuận lợi hơn khi chúng ta hướng dẫn họ cách thay đổi. Rất nhiều người mong muốn đóng góp để môi trường sạch đẹp hơn, nhưng một mình bản thân họ không thể biến chuyển hoàn toàn cục diện. Đây là lúc những nhà thiết kế nên bắt tay với người tiêu dùng để cùng nhau bảo vệ môi trường, bằng những phương thức nhỏ, nhưng tạo nên tác động lớn.
__________
Thiết kế tạo nên giá trị vững bền
Cuộc đua tranh trong thị trường sáng tạo lúc nào cũng khốc liệt, khi mọi người cố gắng thu hút nhiều sự chú ý của khách hàng nhiều nhất có thể, nhưng bạn không cần phải thế. Thật dễ dàng để bị cám dỗ muốn sở hữu một món đồ đẹp mắt, nhưng nếu như bạn nhận ra món đồ đó sẽ chẳng ích lợi gì lắm ngoài việc được sử dụng khoảng đôi ba lần để rồi kết thúc vòng đời ở bãi rác, tốn 70 - 450 năm để phân huỷ, thì có lẽ bạn sẽ suy nghĩ lại!
Mục tiêu của những nhà thiết kế không chỉ để tạo ra sản phẩm đẹp, mà phải là thiết kế tốt (good design) nữa. Tạo ra những thiết kế có thể tồn tại bền vững với thời gian, không bị lỗi thời, luôn ổn định, bền bỉ và thân thiện với môi trường, đó mới là đích đến tối thượng dành cho những nhà thiết kế.
“Đôi khi, những điều mà bạn không mong chờ nhất lại là những điều tạo nên thay đổi lớn nhất.” - Catherine Mohr
Vì vậy, với cương vị là những nhà thiết kế chân chính, đừng cổ xuý cho thói quen mua sắm vô độ, đừng thu hút khách hàng bằng bao bì bắt mắt để chạy theo doanh số. Hãy để họ trân trọng những giá trị bạn mang đến và tạo nên kết nối bền vững giữa thương hiệu và khách hàng.
Thiết kế vốn được sinh ra để tìm kiếm những giải pháp tốt nhất, thế nên hãy sử dụng nguồn lực của bạn để khiến thế giới trong lành một cách cẩn trọng hơn, hứa nhé!
Tác giả: Chilaxu
Nguồn : idesign.vn
Hãy đến với Demos để được tư vấn chu đáo hơn bạn nhé !
-----------------------------------
[ P ] 0938 52 32 04 & 0938 12 14 20
[ M ] hello@demos.vn
[ W ] Demos.vn
[ A ] 3A Lê Quý Đôn, P.12, Q.PN , HCM